nft collection websites nft values today where to make nfts for free popular nft collections eth drops calendar minting coins

Apple là ông lớn “chẳng ngán động chạm” đến ai

Điểm lại trong làng công nghệ thì có vẻ như chẳng còn ông lớn nào mà Apple không dám động đến. Nhiều công ty khiến Apple thấy “khó ở trong người” nên bị kiện, và cũng chẳng ít những công ty “cả gan” kiện Apple nên bị Apple kiện lại.

apple-logo

Apple là ông lớn “chẳng ngán động chạm” đến ai

Dưới đây là những vụ kiện lớn giữa Táo khuyết và 5 ông lớn trong ngành công nghệ chỉ nói riêng trong lĩnh vực bằng sáng chế:

1. Apple kiện Nokia

apple-vs-nokia

Tháng 10/2009, Nokia kiện Apple và tuyên bố Apple không trả phí sử dụng nhiều công nghệ khác nhau của Nokia. Hai tháng sau, Táo khuyết quyết định “phản đòn”, kiện ngược Nokia vi phạm 13 bằng sáng chế của hãng.

Ông Bruce Sewell, luật sư trưởng đồng thời là Phó Chủ tịch cấp cao của Apple, cho biết: “Các công ty khác phải cạnh tranh bằng cách đầu tư vào công nghệ của riêng mình, chứ không phải bằng cách đánh cắp công nghệ của chúng tôi”.

Chỉ một tuần sau, Nokia đệ đơn khiếu nại lên Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, tuyên bố rằng “hầu như tất cả” các sản phẩm của Apple đều vi phạm bằng sáng chế của Nokia.

Cuộc chiến này chỉ kết thúc khi Apple đồng ý trả cho Nokia một khoản tiền sử dụng bằng sáng chế.

2. Apple kiện HTC

apple-vs-htc

Tháng 3/2010, Apple đã phát đơn kiện nhà sản xuất điện thoại thông minh Đài Loan vì xâm phạm 20 bằng sáng chế liên quan đến giao diện người dùng, thiết kế và phần cứng của iPhone. Đơn kiện cho rằng HTC “ăn cắp” các tính năng cảm ứng, cơ chế mở khóa bằng cách vuốt ngón tay trên màn hình, chức năng tiết kiệm pin, cuộn cảm ứng… Apple đề nghị Ủy ban thương mại quốc tế của Mỹ (ITC) ra lệnh cấm bán những điện thoại HTC chạy hệ điều hành Android bị cho là sao chép các chức năng của iPhone.

Ban đầu, HTC phản ứng dữ dội và cho rằng vào thời điểm đó, họ đã có trên 13 năm kinh nghiệm trong làng di động và có hàng loạt phát minh quan trọng chứ không cần phải đi ăn cắp của một kẻ “mới có vài năm trong nghề” như Táo khuyết.

Sau đó đến tháng 5/2010, HTC cũng kiện ngược lại Táo khuyết, buộc tội Apple xâm phạm hàng loạt sáng chế độc quyền của mình.

Đến tháng 7/2010, Uỷ ban Thương mại Quốc tế (ITC) của Mỹ đã ra phán quyết cho rằng HTC đã vi phạm hai bằng sáng chế mà Apple đã đâm đơn kiện cách đó ít tháng. Và sau phán quyết này, nhà sản xuất điện thoại Đài Loan lập tức “xuống nước nhượng bộ” và khẳng định: “Chúng tôi cần ngồi lại và thảo luận các vấn đề”.

3. Apple kiện Motorola

apple-vs-motorola

Ngày 6/10/2010, Motorola chính thức kiện Apple ra tòa với lý do “táo khuyết” đã xâm phạm 18 bằng sáng chế của hãng. Cáo buộc được đưa ra xung quanh dịch vụ MobileMe và App Store của Apple xâm phạm công nghệ dịch vụ e-mail không dây, cảm biến tiệm cận, quản lý ứng dụng, các dịch vụ bản đồ và khả năng đồng bộ với nhiều thiết bị… Không dừng lại ở việc đệ đơn lên tòa án bang Illinois và Florida, Motorola còn đẩy mạnh vận động hành lang kêu gọi Ủy ban thương mại Quốc tế Mỹ ra phán quyết với ‘nhà táo’.

Một tháng sau khi bị Motorola kiện ra tòa, Táo khuyết cũng đáp trả đối thủ với lý do tương tự: Motorola vi phạm 6 bằng sáng chế. Trong đơn kiện được gửi lên tòa án bang Wisconsin (Mỹ), “táo khuyết” cho rằng họ đã bị đối thủ vi phạm nhiều sáng chế có liên quan đến hệ điều hành cũng như công nghệ cảm ứng đa điểm trên các mẫu điện thoại Droid, Droid 2, Droid X, Cliq, Cliq XT, Backflip, Devour A555, Devour i1 và Charm.

Đến tháng 5/2014, cả hai hãng đã tuyên bố sẽ chấm dứt vụ kiện tụng liên quan đến bằng sáng chế mà hai công ty theo đuổi trong thời gian qua. Tuy nhiên, hãng tin Reuters cho biết việc chấm dứt kiện tụng không đi kèm với việc ký một thỏa thuận cấp phép chéo như cách mà nhiều công ty đã làm trước đây. Thay vào đó, hai công ty tuyên bố họ sẽ tiếp tục làm việc với nhau để tìm ra “tiếng nói chung”.

4. Apple kiện Samsung

apple-vs-samsung

Vụ kiện tụng giữa Apple và Samsung có lẽ là vụ kiện cáo kéo dài nhất trong lịch sử của Apple và tốn rất nhiều giấy mực của báo chí. Vụ kiện này đã kéo dài đến 6 năm, từ năm 2010 đến năm 2016, và theo các chuyên gia phân tích thì trong sự việc này, cả hai đều thất bại.

Trong phán quyết gần đây nhất, tòa án ra phán quyết cả Samsung và Apple đều vi phạm bản quyền lẫn nhau. Samsung được xác định vi phạm 3 trong số 5 bằng sáng chế Apple đưa vào đơn kiện, bị yêu cầu bồi thường 119,6 triệu USD, ít hơn nhiều so với số tiền 2,2 tỷ USD mà Apple đòi ban đầu. Trong khi đó, Apple cũng vi phạm 1 trong số 2 bằng sáng chế của Samsung, phải trả 158.400 USD, thấp hơn số 6,2 triệu USD mà Samsung muốn. Theo Pierre R. Yanney, một luật sư chuyên về bản quyền tại hãng Stroock & Lavan, kết quả của trận đấu này có thể xem như cả hai bên cùng thua hoặc cùng thắng. Apple thắng kiện Samsung nhưng chỉ giành được 1/10 những gì mình muốn, Samsung thua nhưng số tiền phải đền bù được giảm tới 90%.

Kết luận này đỡ thê thảm hơn nhiều so với kết luận của tòa án năm 2012, trong đó, Samsung được yêu cầu phải trả gần 1 tỷ USD cho Apple.

Vụ kiện chưa có hồi kết này không mang lợi lộc gì cho hai công ty. Apple và Samsung thuộc những doanh nghiệp bí mật nhất giới công nghệ. Trong quá trình kiện cáo, hàng loạt bí mật của cả hai đã buộc phải phanh phui. Hàng loạt bí mật được bật mí, trong đó có nhiều thông tin không hay ho, chẳng hạn như việc cố Tổng Giám đốc điều hành Steve Jobs muốn phát động “cuộc chiến thần thánh” nhằm vào Google Android, hay kế hoạch lợi dụng cái chết của Steve Jobs năm 2011 như một cơ hội tiếp thị của lãnh đạo Samsung. Dù vậy, tranh chấp pháp lý tiêu tốn của hai bên không ít thời gian và tiền bạc trong vài năm qua và chưa có dấu hiệu dừng lại. Thay vì “đốt tiền” vào kiện tụng, có lẽ người tiêu dùng mong muốn họ dùng nó để đầu tư vào sản phẩm mới hơn và tốt hơn.

5. Apple kiện Qualcomm

qualcomm-vs-apple

Vụ kiện giữa Táo khuyết và Qualcomm là động thái gần đây nhất của “nhà táo” với mục tiêu “thấy cần kiện là phải kiện”. Cụ thể, Apple đã gửi đơn kiện chống lại Qualcomm hôm 20/1, vài ngày sau khi chính phủ Mỹ tố cáo nhà sản xuất chip thực hiện các hành vi phản cạnh tranh để duy trì vị thế độc quyền trong ngành bán dẫn trong điện thoại di động.

Apple tố cáo Qualcomm thu phí quá cao với các con chip và từ chối trả khoảng 1 tỷ USD số tiền giảm giá đã cam kết. Apple viết trong đơn kiện rằng Qualcomm từ chối trả tiền vì cuộc thảo luận của Apple với Ủy ban Thương mại công bằng, cơ quan chống độc quyền Hàn Quốc (KFTC).

Đương nhiên, Qualcomm cũng không phải là một “kẻ yếu” để Apple dễ bề bắt nạt. Công ty này đã gửi đi một đơn kiện dài 139 trang PDF cáo buộc Táo khuyết có hành động sai trái và vi phạm hợp đồng với công ty.

Trong số những cáo buộc, Qualcomm nhấn mạnh vào các hành vi Apple “không sử dụng toàn bộ hiệu năng của các chip modem của Qualcomm trong iPhone 7, thể hiện sai sự chênh về hiệu suất giữa những chiếc iPhone sử dụng modem của Qualcomm và modem của hãng khác đồng thời đe dọa Qualcomm để ngăn công ty không đưa ra bất cứ sự so sánh công khai nào về hiệu năng vượt trội của những chiếc iPhone sử dụng chip Qualcomm.

Sau khi 2 bên đâm đơn kiện nhau ra tòa, Táo khuyết quyết định “làm tới” khi công bố dừng trả tiền bản quyền cho Qualcomm trong thời gian chờ tòa án đưa ra phán quyết. Theo Bloomberg, Qualcomm đang yêu cầu ITC (Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ) chặn, không cho Apple nhập khẩu điện thoại từ châu Á (nơi iPhone được sản xuất) vào Mỹ. Nếu yêu cầu này được chấp thuận, đây là một đòn đau cho “táo khuyết” khi mà thời điểm thế hệ iPhone mới ra mắt đã không còn xa.

Tổng kết

Có thể thấy, Apple là công ty “không ngại tranh chấp, va chạm”. Chưa kể đến những vụ kiện cáo liên quan đến Microsoft, Amazon, Kodak, HP… gần như chẳng còn ông lớn nào mà Apple không đi kiện hoặc bị kiện. Trong những vụ việc này, Apple có được, có mất, nhưng hầu như ai cũng có chút “nể” ông lớn này vì đơn giản là Apple là đối tác lớn của họ. Chắc chắn, đây sẽ không phải là những vụ kiện cuối cùng của Táo khuyết và hãy cùng chờ xem, sau Qualcomm, sẽ đến công ty nào xuất hiện trong danh sách dài của “táo khuyết”.

Theo: ICTNews

Xem thêm:

Tags:,