Bước ra khỏi cái bóng của Apple – Giấc mơ dài nhất mà Samsung từng có
|“Ước mơ của chúng tôi là vượt qua Apple.” Lời tuyên bố tuy đơn giản nhưng rõ ràng này đã khiến cho không khí tại hội trường lớn ở Suwon (Hàn Quốc), trụ sở chính của Samsung, chùng xuống. Phát ngôn được đưa ra thậm chí trước khi Dan Seifert – biên tập viên của The Verge có cơ hội nhìn thấy thiết bị sắp được công bố của Samsung sau chuyến bay nửa vòng Trái Đất, ông thuật lại.
Không phải lúc nào bạn cũng nghe thấy ai đó tại Samsung nói ra những điều như thế này. Hầu hết những giám đốc điều hành tại đây khi nói về đối thủ lớn nhất của mình thường không nêu đích danh cái tên Apple. Tuy nhiên, trong buổi gặp mặt thân mật với một nhóm nhỏ các nhà báo, vị Phó chủ tịch phòng chiến lược sản phẩm của công ty đã buộc miệng nói ra những lời trên. Ước mơ của ông, cụ thể được đặt vào Galaxy S8 – thiết bị mà Samsung đã phải dành ra 3 năm để phát triển và chỉ vừa được giới thiệu cách đây ít giờ.
“Dream” cũng chính là tên mã của dự án này: “Sự hòa trộn và kết hợp của tất cả những thứ mà chúng tôi đã làm trên điện thoại trước đây đều được hợp nhất thành S8 và S8 Plus. Đó là lý do chúng tôi đặt tên cho dự án là Giấc mơ, chứ không phải đó là suy nghĩ của công ty đối với các đối thủ cạnh tranh khác hoặc các nhà sản xuất điện thoại khác.”, ông DJ Koh – người đứng đầu bộ phận di động của Samsung, giải thích.
GIẤC MƠ DÀI NHẤT MÀ SAMSUNG TỪNG CÓ ĐÓ LÀ BƯỚC RA KHỎI CÁI BÓNG CỦA IPHONE
Trong vài năm trở lại đây, có thể nói giấc mơ thực tế của Samsung chính là bước ra khỏi cái bóng quá lớn mà Apple đã tạo ra cho iPhone. Và theo nhiều cách khác nhau, Samsung đã hoàn thành điều đó. Hiện nay, họ đang là nhà sản xuất điện thoại lớn nhất trên thế giới, với số lượng thiết bị đến tay người dùng mỗi năm nhiều hơn hàng triệu đơn vị so với Apple. Samsung gần như luôn đi tiên phong trong công nghệ ở những thiết bị của họ, thậm chí còn sớm hơn nhiều trước khi nó được nhìn thấy trên iPhone.
Hầu hết tất cả các bộ phận chủ yếu trên smartphone Samsung đều đến từ các công ty con của tập đoàn. Nhưng theo nhận thức của công chúng, dòng điện thoại thông minh Galaxy S luôn xếp sau iPhone; họ xem thiết bị đến từ nhà sản xuất Hàn Quốc là một sự phản ánh chứ không phải là cái đầu tiên. Cho dù quan điểm này có đúng hay không, việc loại bỏ nhận thức đó trong đầu người tiêu dùng luôn là một mục tiêu lớn – thậm chí, đó là một giấc mơ đúng nghĩa đối với Samsung.
Tất nhiên, trong gần nửa năm qua, đối với Samsung có lẽ là cơn ác mộng mà họ muốn mau quên nhất trong lịch sử của mình.
Nếu bạn chưa bao giờ nhìn thấy một chiếc điện thoại bị phát nổ khi nó nằm trong người, thì hãy hình dung, đó là một trải nghiệm rất khó quên. Đầu tiên, pin sẽ phù lên, to hơn so với kích thước thông thường. Sau đó, viên pin này bắt đầu nóng đến mức nó chuyển sang màu đỏ, trước khi bùng cháy thành một ngọn lửa thật sự. Toàn bộ quá trình chỉ diễn ra trong khoảng 30 giây, khiến cho bạn thậm chí còn không kịp biết chuyện gì xảy ra để phản ứng. Những gì còn sót lại sau đó là một mớ kim loại và nhựa bốc mùi, kèm theo đó là tài sản bị hư hỏng hoặc tệ hơn là có người bị thương.
Kịch bản chính xác như vậy đã diễn ra hàng chục lần vào mùa thu năm ngoái, khiến cho Galaxy Note 7 – sản phẩm tưởng chừng như sẽ mang đến cho Samsung một cú vượt mặt ngoạn mục so với Apple, phải bị thu hồi những hai lần. Đó là một trong những giai đoạn đáng xấu hổ nhất trong lịch sử của ngành công nghệ nói chung và Samsung nói riêng. Sự cố Note 7 phá hỏng hoàn toàn năm suýt thành công rực rỡ của Samsung, khiến hãng rơi vào mớ hỗn độn của vô số những rắc rối. “Đó là một trải nghiệm rất đau đớn, và là một tai nạn thương đau”, DJ Koh nói trong sự hối hận. “Trong quá trình điều tra nguyên nhân gốc rễ của sự cố Note 7, tôi đã có cơ hội để học cách làm gia tăng sự an toàn của pin và những thiết bị của chúng tôi.”
Koh là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh điện thoại di động, rất lâu trước khi ông chính thức được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch mảng điện thoại của Samsung vào năm ngoái. Ông bày tỏ sự thất vọng với thất bại của công ty: “Chúng tôi thiết lập tiêu chuẩn của riêng mình, nhưng chúng tôi đã không giữ được tiêu chuẩn đó.” Sau chiến dịch thu hồi, Samsung có cho một số phóng viên vào tham quan các cơ sở thử nghiệm pin của họ tại Gumi, Hàn Quốc; và anh chàng Dan Seifert – tác giả của bài viết này cũng là một trong số những phóng viên may mắn đó.
Tại đây, lần đầu tiên anh được chứng kiến một vụ nổ pin, tất nhiên là trong sự kiểm soát. Là một phần trong quá tình thử nghiệm, công ty đã mô phỏng việc sử dụng thiết bị lâu dài, trong thời gian đó, họ tạo ra những điều kiện khác nhau để làm tổn hại đến pin và gây ra các vụ nổ. Một máy ép sẽ tạo áp lực lên các cell pin nhờ những piston lớn. Nếu bạn vô tình tạo ra áp lực gấp đôi ngưỡng an toàn mà Samsung đặt ra, pin sẽ bốc cháy.
Để trình diễn cho các phóng viên lý thuyết trên, kỹ sư của Samsung đã làm điều đó. Pin ban đầu không phát nổ nhưng khoảng một phút sau, các cell pin bắt đầu phồng lên và nóng đến mức đổi thành màu đỏ tươi, trước khi nó bốc cháy. Nếu không phải cho mục đích trình diễn, có lẽ Samsung đã từ chối không nhận lô pin này và gửi tất cả chúng trở lại cho nhà cung cấp. Nhân viên tại nhà máy test pin của Samsung cho rằng nếu mỗi viên pin không thể vượt qua một bài kiểm tra, điều đó đồng nghĩa với việc có 15.000 viên pin trong lô đó sẽ bị gửi trả lại đơn vị sản xuất.
Để đảm bảo tình huống như ở Note 7 không xảy ra một lần nào nữa và để chắc chắn Galaxy S8 không làm Samsung đi chệch hướng, công ty đã mở ra thêm rất nhiều quy trình kiểm tra pin. Họ vạch ra một hệ thống kiểm tra pin với thang điểm 8, trong đó bao gồm cả những thử nghiệm mới. Ở quy trình test pin này, Samsung không để cho các nhà cung cấp pin chịu trách nhiệm đối với phần lớn các thử nghiệm như trước đó. Giờ đây, nhà sản xuất Hàn Quốc muốn tự họ thực hiện các bài kiểm tra pin theo cách riêng của họ, đảm bảo phát hiện và nhận dạng bất kỳ lỗ hổng nào trước khi nó đến tay khách hàng.
SAMSUNG CÓ THỂ THỬ NGHIỆM HÀNG CHỤC NGHÌN THIẾT BỊ TẠI MỘT THỜI ĐIỂM TRONG MỖI NHÀ MÁY CỦA HỌ
Có rất nhiều trạm kiểm tra tại nhà máy Gumi, nơi công ty có thể thử nghiệm việc xả pin trong 60.000 chiếc điện thoại cùng một lúc. Các trạm thử nghiệm này vẫn đang được nhân rộng trong các nhà máy của công ty trên toàn thế giới, bao gồm cả ở Trung Quốc và Việt Nam. Samsung cũng cho ra đời quy trình “Kiểm tra sử dụng tăng tốc”, được thiết kế nhằm mô phỏng quá trình sử dụng của một người dùng thông thường. Thử nghiệm này bao gồm các bước như sạc, xả pin, cho tiếp xúc với nước và một số hành động tiêu biểu mà người dùng thường thao tác với điện thoại của họ như kết nối với mạng Wi-Fi và Bluetooth, thực hiện các cuộc gọi và sử dụng ứng dụng mạng xã hội.
Công ty đã cử hàng chục nhân sự để thưc hiện lặp đi lặp lại các thử nghiệm này trên 100.000 thiết bị nhằm đảm bảo không có vấn đề gì xảy ra. Đó chắc chắn không phải là một công việc thú vị. Với tất cả những thử nghiệm nghiêm ngặt này, Samsung chứng minh họ đang nghiêm túc như thế nào trong việc đảm bảo an toàn pin so với quá khứ. Trước khi Samsung có thể thực hiện hóa ước mơ của mình, bước ra khỏi bóng tối của Apple, việc đầu tiên có lẽ họ cần phải chứng minh cho các khách hàng tiềm năng của mình rằng sự cố tương tự với Note 7 sẽ không xảy ra với các sản phẩm mới.
“Trọng tâm chính của chúng tôi là làm thế nào có thể mang đến những thay đổi có ý nghĩa đối với người dùng, giúp cho cuộc sống của họ trở nên vui vẻ và thú vị hơn. Nhưng điều quan trọng nhất mà tôi đã bỏ lỡ chính là sự an toàn của sản phẩm. Những đổi mới có ý nghĩa sẽ tiếp tục được thực hiện, nhưng trên hết, an toàn sẽ là yếu tố được ưu tiên”, Koh chia sẻ.
“Sự đổi mới có ý nghĩa” là điều mà Samsung hy vọng sẽ giúp họ thoát khỏi vũng lầy Note 7 và hơn nữa là vượt qua cái bóng của Apple. Từ lâu, Samsung đã là luôn đi đầu trong việc tạo ra những đổi mới ở phần cứng và chắc chắn điều đó cũng tiếp tục trên S8. Tuy nhiên tại thời điểm này, hãng cũng có rất nhiều điểm nhấn về phần mềm và dịch vụ. Samsung biết rằng nếu thành công ở những lĩnh vực này, họ sẽ không thể cứ mãi làm thiết bị chạy phần mềm và nền tảng của các công ty khác.
Trước giờ, chúng ta gần như quá quen thuộc với việc Samsung muốn cố gắng duy trì sự cân bằng giữa phần cứng và phần mềm, trong đó bao gồm việc tạo ra những tính năng mới hấp dẫn người dùng từ đó tăng giá trị cho phần cứng. Rất nhiều nỗ lực đó đã thất bại và có thể kể đến như Milk Music, Milk Video hay vô số các tính năng về giao diện và máy ảnh phô trương của hãng. Đối với bất kỳ ai đã từng trải nghiệm “cuộn thông minh” của Samsung, một tính năng giúp bạn kéo lên xuống trong một trang web bằng cách liếc mắt và chuyển động cổ, đều phải đưa ra những lời phản ứng gay gắt rằng đó chỉ là trò lố bịch.
Nhưng trong những năm gần đây, công ty đã gặt hái được thành công nhất định với các dịch vụ như Samsung Pay và Samsung Knox, cả hai đều cung cấp cho khách hàng những tiện ích và trải nghiệm tốt. S8 đơn nhiên sẽ được trang bị những tính năng này cũng như một số dịch vụ mới để tăng giá trị của một smartphone flagship.
BIXBY LÀ PHẦN MỀM THAM VỌNG NHẤT MÀ SAMSUNG TỪNG TẠO RA
Tham vọng lớn nhất của Samsung sau những thành công nhất định với phần mềm chính là trợ lý ảo mới – Bixby. Bixby ra đời khi trợ lý ảo đang là xu hướng của thế giới và hiện đã được thống trị bởi nhiều hãng lớn như Google, Microsoft, Amazon, Facebook và đơn nhiên, Apple. Tuy vậy, trong khi nhiều trợ lý ảo mà chúng ta từng thấy từ trước đến nay dựa vào việc cung cấp cho người dùng không cách này thì cách khác để thực hiện tìm kiếm trên internet, cách tiếp cận của Samsung dường như khác hẳn.
Tiến sĩ Injong Rhee, giám đốc nghiên cứu & phát triển phần mềm và dịch vụ của Samsung cho biết: “Tính nhân bản bên trong Bixby mà chúng tôi đang mong muốn thực hiện chính là một người bạn đời sáng giá, một đại diện thân thiện hơn đến người sử dụng. Bixby có khả năng phát triển một giao diện mới cho các thiết bị của chúng tôi, hoặc các thiết bị sẽ đóng vai trò lưu trữ Bixby. Quan điểm của chúng tôi là làm cho giao diện của điện thoại trở nên đơn giản hơn và tự nhiên hơn.”
Đây là một bước đi thông minh của Samsung bởi họ biết rằng mình không thể cạnh tranh với Google, Microsoft, Amazon và những hãng khác khi nói đến sức mạnh của máy học (machine learning) hay khả năng cung cấp cho người dùng một lượng thông tin khổng lồ. Vì vậy, Bixby ra đời để giải quyết một nhiệm vụ đơn giản hơn mà các công ty khác đã không mấy để tâm. Bixby không phải là trợ lý ảo có thể đảm đương mọi thứ. Thay vào đó, nó sẽ hoạt động như một công cụ bổ sung cho các dịch vụ khác. Bạn không thể hỏi Bixby thời tiết hôm nay thế nào hay Tháp Eiffel cao bao nhiêu.
Rhee có vẻ là người thích hợp nhất để giữ vai trò lãnh đạo ở mảng trí tuệ nhân tạo của Samsung, và ông cũng đã chứng minh được thực lực của mình với sự thành công trong việc phát triển nền tảng bảo mật di động Knox. Với sự tài năng và thông minh của mình, Rhee được xem là một nhà tư tưởng lớn, một nhà hoạch định tương lai đối với những sản phẩm kinh doanh hiện tại đồng thời tập trung vào những thứ có thể thay đổi phương hướng của cả công ty. Kết quả là Rhee đã nhìn thấy Bixby như một thứ gì đó quan trọng hơn nhiều so với một chiếc điện thoại đơn thuần. Bixby không được thiết kế để trở thành nơi bạn có thể tìm thấy câu trả lời cho bất kỳ câu hỏi nào; thay vào đó, nó thực sự là trợ lý giúp bạn sử dụng thiết bị, bất kể đó là thiết bị gì.
“Vì Bixby sẽ được triển khai trong phạm vi đám mây, thế nên chỉ cần một thiết bị có khả năng kết nối internet và mạch điện đơn giản để nhận dữ liệu giọng nói, nó sẽ có thể kết nối với Bixby”, Rhee giải thích trong một bài blog gần đây để nói về tính năng này. Điều này có nghĩa hầu như bất kỳ thiết bị nào được sản xuất bởi khối doanh nghiệp khổng lồ của Samsung, từ TV đến máy giặt, tủ lạnh hay lò vi sóng đều có thể được tích hợp Bixby. Đây là nền tảng hoạt động trên một quy mô mà Samsung chưa từng thực hiện từ trước đến nay.
NẾU SAMSUNG MUỐN THÀNH CÔNG VỚI VAI TRÒ LÀ MỘT NHÀ CUNG CẤP DỊCH VỤ, HỌ CẦN ĐƯA PHẦN MỀM ĐẾN TAY CÀNG NHIỀU NGƯỜI DÙNG CÀNG TỐT
Đi xa hơn, Rhee cho rằng ông không xem Bixby như một phần mềm chỉ bị giới hạn trong các sản phẩm của Samsung. “Nó có thể xuất hiện trên các thiết bị khác, thậm chí là đến từ đối thủ. Đó là điều khiến chúng tôi nghĩ Bixby chính là tương lai mà chúng tôi cần nhắm đến”, ông nói khi được hỏi liệu Bixby sẽ hoạt động trên các thiết bị của Apple hay không. Cách tiếp cận này cho chúng ta thấy một Samsung rất khác so với hình ảnh trước đây. Có vẻ như Samsung đã nhận ra rằng nếu muốn thành công với vai trò là một nhà cung cấp dịch vụ, họ cần phải mang phần mềm của mình đến với càng nhiều người dùng càng tốt, ngay cả khi họ không sử dụng điện thoại do Samsung sản xuất.
Dĩ nhiên, công ty hiện vẫn chưa đạt được điều đó và Bixby chỉ vừa được đưa vào sử dụng một cách rất hạn chế trên S8 và S8 Plus. Thời gian đầu, nó chỉ hoạt động với một số ít các ứng dụng của Samsung, hỗ trợ hai ngôn ngữ (tiếng Anh và tiếng Hàn), và được kích hoạt từ một nút chuyên dụng nằm ở cạnh bên của điện thoại. Trong ứng dụng Thư viện quen thuộc, nó sẽ cho phép bạn thực hiện một số việc như gửi ảnh cho một người nào đó mà không cần phải chuyển ứng dụng hoặc gõ bất kỳ thông tin nào về họ. Còn trong app máy ảnh, Bixby có thể nhận dạng các vật thể và gửi cho bạn các đường link đến Amazon để mua chúng.
Rhee cho biết mục đích cuối cùng của Bixby trên điện thoại là giúp người dùng thực hiện mọi tác vụ. Thay vì thông qua việc chạm vào màn hình cảm ứng, với Bixby, mọi thứ sẽ được thao tác nhờ giọng nói. Theo tính toán của ông, điều đó có nghĩa là nó sẽ có thể thực hiện hàng chục nghìn thao tác và hiểu được hàng triệu cách mà người dùng ra lệnh cho điện thoại của họ. Đó là một thách thức lớn và Samsung sẽ phải đương đầu với việc kiểm soát những kỳ vọng của người dùng sau khi họ mua một chiếc S8 và thấy rằng Bixby không làm được nhiều thứ đặc biệt ban đầu. Samsung chắc chắn cần tìm cách để mọi người tiếp tục dùng Bixby, ngay khi nó có thể không thể đáp ứng được yêu cầu của “chủ nhân”. Đó là một cuộc đấu tranh mà tất cả các trợ lý ảo đều phải vượt qua – ngay cả Siri của Apple cũng vậy.
Daniel Kang, trưởng phòng kế hoạch sản xuất Galaxy S8, cho biết: “Khách hàng không còn hứng thú với điện thoại mới nữa. Có quá nhiều điện thoại trông giống nhau và không làm bất cứ thứ gì khác so với vô số điện thoại có mặt trên thị trường.” Đó là một tình huống phức tạp đối với một công ty như Samsung. Chúng ta biết rằng hầu hết lợi nhuận mà Apple đang thu về là từ việc bán điện thoại. Vì vậy, đối với S8, Samsung đã tăng gấp đôi các tính năng phần cứng để tách nó ra khỏi đám đông. Nói một cách rõ ràng hơn, đó là màn hình cong.
“Khi giới thiệu S6 Edge, chúng tôi cảm thấy màn hình cong sẽ trở thành biểu tượng của Samsung”, DJ Koh nói. “Nhưng chúng tôi đã không tận dụng các cạnh đúng cách.” Galaxy S7 Edge năm ngoái ra đời cho thấy lợi thế thực sự của nó nhờ sở hữu màn hình cong. Nó giúp cho màn hình trở nên lớn hơn trong một bộ khung nhỏ hơn, hẹp hơn và dễ sử dụng hơn. S7 Edge là chiếc smartphone màn hình 5,5 inch hẹp nhất trên thị trường vào năm ngoái và đáng chú ý là nó còn nhỏ hơn chiếc iPhone Plus 5,5 inch của Apple.
“89% người dùng điện thoại thông minh muốn thiết bị có bộ khung hẹp với màn hình lớn hơn”, Kang giải thích. “Mọi người muốn màn hình lớn hơn, nhưng họ không muốn điện thoại lớn hơn.” Kết quả là Samsung đã loại bỏ hoàn toàn màn hình phẳng, cả Galaxy S8 và S8 Plus lớn hơn đều có thiết kế với màn hình cong. Màn hình trên smartphone mới của Samsung được hãng gọi là “Infinity Edge”, một thiết kế màn hình gần như không viền với tỷ lệ 18.5:9. Nhờ kiểu thiết kế này, Samsung có thể “nhét” một màn hình kích thước lên đến 5,8 inch trong một bộ khung nhỏ hơn so với chiếc iPhone 7 có kích thước màn hình chỉ 4,7 icnh.
Những điểm mới này khiến cho S8 trông giống như một thiết bị đến từ bộ phim khoa học viễn tưởng nào đó. Đường viền nhỏ đến mức khó tin và các mặt cong cho phép bạn cảm thấy như chỉ đang cầm trên tay một cái màn hình chứ không phải toàn bộ chiếc điện thoại. Đây có thể xem là sự mở rộng hợp lý nhất trong thiết kế điện thoại thông minh kể từ khi iPhone lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 2007.
Dù mang thiết kế ấn tượng, tuy nhiên, bất kỳ ai quan tâm đến thiết kế phần cứng của Samsung trong vài năm trở lại đây đều có thể dự đoán công ty sẽ đi theo con đường này. Với vẻ ngoài bóng bẩy và quyến rũ, song S8 về cơ bản thật chất chính là S7 Edge với màn hình được đẩy ra tiệm cận với các góc. Ở đây không hàm ý chê trách Samsung nhưng chúng ta có thể hình dung những gì họ mang đến với S8 chỉ là một sự cải tiến chứ không phải là một cuộc cách mạng. Mọi người có thể không cảm thấy phấn khích trước phần cứng điện thoại mới, nhưng điều đó cũng không thể ngăn Samsung tạo ra những thiết kế điện thoại thú vị và đẹp nhất mà chúng ta từng thấy trong nhiều năm qua.
S8 còn được trang bị các tính năng đặc biệt khác của Samsung, bao gồm tính năng sạc nhanh không dây, khả năng chống nước tiêu chuẩn cao và không phải một, có đến 3 lựa chọn khác nhau để mở khóa điện thoại mà không cần phải nhập mã PIN. Sản phẩm được trang bị bộ xử lý mới nhất và tuyệt vời nhất của Qualcomm hoặc Samsung, kèm theo camera trước với khả năng tự động lấy nét. Mặc dù mang nhiều cải tiến, tuy nhiên thật khó để đánh bật cảm giác bảo thủ của Samsung trong thiết kế phần cứng trên S8 đối với một số người dùng.
Thiết kế có đổi mới nhưng một số tính năng phần cứng thì cũ và được tinh chỉnh. Điều quan trọng nhất: Samsung vẫn bảo thủ với pin của S8. Pin trong cả hai phiên bản của S8 đều nhỏ hơn S7 Edge trình làng năm ngoái, nhưng Samsung cho biết họ sử dụng một hóa chất mới giúp kéo dài tuổi thọ pin. Thể hiện sự bảo thủ nhất định trên phần cứng của S8, nhưng thiết bị này vẫn là một sản phẩm của Samsung không lẫn vào đâu được, bởi nó không giống với bất kỳ thiết bị nào khác từ các đối thủ mà đặc biệt là Apple. Sau nhiều năm mang tiếng là “kẻ theo đuôi”, Samsung đã tạo ra thứ khác biệt với iPhone, cả về ngoại hình lẫn chủ đích hướng đến.
Nếu tận mắt nhìn thấy những chiếc S8 trên dây chuyền sản xuất, bạn sẽ hiểu rõ Samsung đang cố tạo ra một sản phẩm tuyệt vời như thế nào sau sự thất bại của Note 7. Nhưng sau khi những thiết bị với phần cứng thuộc dạng đỉnh cao và thiết kế bắt mắt này ra khỏi nhà máy, có một điều vẫn khiến chúng ta băn khoăn. Có rất nhiều người dùng sau khi mua một smartphone mới của Samsung về, việc đầu tiên mà họ làm là ngay lập tức vô hiệu hóa các ứng dụng và dịch vụ của Samsung, sau đó thay chế chúng bằng các phần mềm đến từ Google.
Samsung luôn nhận được những đánh giá cao về thiết kế và phần cứng đối với những sản phẩm mà họ tạo ra, nhưng phần mềm thì dường như ngược lại. Đó là thách thức lớn nhất mà Samsung phải đối mặt trong giấc mơ mong muốn thoát khỏi cái bóng của Apple. Samsung không thể dựa vào năng lực sản xuất phần cứng mãi mãi, họ cần phát triển phần mềm và dịch vụ sử dụng trên phần cứng đó và cung cấp các tiện ích thật sự cho người dùng. Công ty cần làm mọi thứ để người dùng muốn sử dụng nó chứ không phải chỉ mua về để ngắm.
SAMSUNG CẦN TẠO RA THIẾT BỊ MÀ NGƯỜI DÙNG MUỐN SỬ DỤNG, CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ THỨ TRÔNG ĐẸP MẮT
S8 là nỗ lực tham vọng nhất của công ty để thực hiện điều đó. Bixby mặc dù hiện vẫn hoạt động khá hạn chế, nhưng đằng sau nó là một tầm nhìn muốn gắn kết các bộ phận sản xuất phần cứng khác nhau của Samsung cùng với các dịch vụ phần mềm. Dù không phải là thứ gì đó quá hấp dẫn đến mức ngăn không cho người dùng ra quyết định mua và sử dụng các dịch vụ của Google, nhưng Samsung hy vọng người tiêu dùng ít nhất sẽ dùng thử Bixby thay vì Google Assistant trong lần sử dụng trợ lý cá nhân thông minh tiếp theo. Samsung thậm chí còn dành riêng một nút cứng ở cạnh trái của S8 và S8+ để kích hoạt Bixby, cho thấy tầm quan trọng của tính năng này trên thiết bị.
“Tôi không muốn xem nó như niềm kiêu hãnh, đây chỉ mới là điểm khởi đầu. Chúng tôi đang trên một đường đua marathon và Galaxy S8 sẽ là sản phẩm đầu tiên cho phép tất cả các sản phẩm của Samsung kết nối với nhau. Nó là thiết bị có ý nghĩa nhất trong sự nghiệp của tôi.”, ông Koh chia sẻ.
Theo: Tinhte.vn
Xem thêm:
- Mổ bụng iPad mới của Apple, bản nâng cấp nhẹ và sử dụng linh kiện của iPad Air 1
- Tìm hiểu về 5 tính năng mới nổi bật trên iOS 10.3
- iOS 10.3 mang đến một thay đổi khá lớn trong hệ thống thiết bị