Giám đốc mảng AI của IBM: Apple sẽ tiết kiệm 2,5 tỷ USD chỉ trong năm nay nhờ nghỉ chơi với Intel
|Tiêu đề trên đây là những tính toán và phân tích của Sumit Gupta, giám đốc nghiên cứu chiến lược trí thông minh nhân tạo của IBM khi nói về bước chuyển từ CPU x86 Intel sang chip M1 tự thiết kế trên thế hệ MacBook Air và MacBook Pro mới nhất của họ. Những tính toán này có thể không hoàn toàn chính xác, và bản thân ông Gupta cũng để rất nhiều “có thể” và “nếu như” trong phân tích của mình. Nhưng có thể chắc chắn rằng, dựa vào kinh nghiệm của một người đã có kinh nghiệm gần 25 năm làm trong ngành chip bán dẫn, từng làm việc từ Nvidia cho đến NextAI và trong vòng hơn 5 năm trở lại đây là IBM, dự đoán của ông Gupta chắc chắn tương đối đáng tin cậy.
Ông Gupta ước tính, chi phí sản xuất một con chip M1 của Apple rơi vào khoảng từ 40 đến 50 USD. Để so sánh, ông Gupta cho rằng một con CPU Intel Core i5 2 nhân trang bị cho mẫu MacBook Air giá thấp nhất có giá khoảng 200 USD, Core i5 4 nhân trang bị cho MacBook Pro bản entry cỡ 250 USD. Tính toán cụ thể hơn thì như thế này:
“Những chiếc laptop được trang bị chip xử lý ARM M1 thay cho CPU x86 của Intel là MacBook Air và phiên bản entry của MacBook 13 inch, ước tính khoảng 14 triệu chiếc MacBook. Thử ước lượng chi phí đối với Apple:
- Chi phí 1 con chip Apple M1 ARM: Có thể từ 40 đến 50 USD
- Chi phí một chip CPU Intel Core i5 Dual Core cho MacBook Air: Có thể từ 175 đến 200 USD
- Chi phí một chip CPU Intel Core i5 Quad Core cho MacBook Pro entry: Có thể từ 225 đến 250 USD
Chi phí chip xử lý để sản xuất MacBook với CPU Intel:
- MacBook 13 inch entry: 8,6 triệu máy x 250 USD = 2,15 tỷ USD
- MacBook Air: 5,4 triệu máy x 200 USD = 1,07 tỷ USD
- Tổng: 3,2 tỷ USD
Chi phí chip xử lý để sản xuất MacBook với chip M1:
- MacBook 13 inch entry: 8,6 triệu máy x 50 USD = 268 triệu USD
- MacBook Air: 5,4 triệu máy x 50 USD = 429 triệu USD
- Tổng: 697 triệu USD
Tính sơ sơ, chuyển từ CPU Intel sang SoC ARM M1, Apple tiết kiệm được 2,5 tỷ USD chi phí sản xuất.
Tính toán rất đơn giản và dễ dàng cho Apple. Họ tiết kiệm được hơn 2 tỷ USD chỉ với một bước chuyển chip xử lý cho MacBook. Và thậm chí họ còn đem lại cho MacBook mới hiệu năng ngon hơn, thời lượng pin dài hơn, và dĩ nhiên có toàn quyền nghiên cứu phát triển chip bán dẫn (neural net hoặc hiệu năng đồ họa,…). Điều này cũng đồng nghĩa với việc những nhà cung cấp chip ARM trang bị cho máy tính cá nhân cũng sẽ có khả năng tìm được thành công và xâm chiếm thị trường laptop từ tay Intel hay AMD.”
Về cơ bản thì đó là những tính toán rất “phiên phiến”, như chính lời ông Gupta thừa nhận, và cũng mong những người hâm mộ công nghệ hoặc những người làm trong ngành chỉnh sửa lại ước tính của chính bản thân ông đưa ra. Lấy ví dụ đơn giản nhất, bên trong SoC M1 có nhiều bộ phận bán dẫn hơn, lấy ví dụ cả con chip có cả CPU, GPU, và RAM tích hợp bên trong. Sẽ hợp lý hơn nếu chi phí sản xuất một chip M1 gần với ngưỡng 100 USD so với 50 USD. Nhưng con số như vậy vẫn đồng nghĩa với việc Apple tiết kiệm được một khoản rất lớn, không phải mua cả CPU lẫn chip RAM rời để hàn lên bo mạch. Một vấn đề khác, con số trên đây hoàn toàn không đề cập đến chi phí hàng tỷ USD nghiên cứu và phát triển sản phẩm để Apple tạo ra được chip M1. Và, cũng không loại trừ trường hợp Apple có thể đạt được thỏa thuận giá tốt hơn khi làm việc với Intel.
Tạm thời bỏ qua không so đo con số một cách chi li, thì ý tưởng mà ông Gupta đưa ra không sai một chút nào. Khi Mac chuyển hẳn sang sử dụng SoC ARM, Apple sẽ tiết kiệm được hàng tỷ USD chi phí sản xuất. Đúng kiểu, một mũi tên trúng hai con chim, vừa tiết kiệm vừa có hiệu năng ngon.