Cạnh tranh với Facebook Messenger, Apple cho phép khách hàng và doanh nghiệp trao đổi trực tiếp trên iMessage
Đây sẽ là cú đánh thẳng vào hy vọng kiếm tiền từ ứng dụng nhắn tin Messenger của Facebook.
Apple sẽ cho các doanh nghiệp giao tiếp trực tiếp với khách hàng của mình trên iMessage khi iOS 11, bản cập nhật phần mềm quan trọng tiếp theo cho iPhone và iPad, được phát hành trong mùa thu năm nay.
Apple tiết lộ thông tin này trên trang web của mình, khi yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký để nhận được tính năng sắp ra mắt này. “Với Business Chat, khách hàng của bạn có thể kết nối với bạn, thực hiện các cuộc hội thoại được cá nhân hóa và thậm chí mua hàng với Apple Pay.”
Đầu tuần này, nhà sản xuất iPhone đã cho biết một số thông tin về tính năng Business Chat sắp ra mắt, nhưng sau đó họ đã chia sẻ nhiều hơn về cách tính năng này làm việc trong một bài thuyết trình tại hội nghị cho nhà phát triển vào thứ Sáu vừa qua.
Business Chat for iMessage là một cú đánh trực tiếp vào các ứng dụng xã hội đang khuyến khích người dùng giao tiếp với nhau qua ứng dụng chat tức thời có tên gọi Facebook Messenger. Dưới đây là cách Business Chat hoạt động trong iMessage:
– Bất kỳ người dùng iOS 11 nào cũng sẽ có thể bắt đầu một cuộc trò chuyện hỗ trợ với các doanh nghiệp mà họ tìm thấy thông qua Siri, Maps, Safari và Spotlight.
– Theo Apple, “khách hàng có thể đặt câu hỏi, sắp xếp lịch hẹn, mua sắm và nhiều hơn nữa,” bằng cách nói chuyện trực tiếp với các doanh nghiệp trên ứng dụng Messenger. Tất cả mọi giao dịch mua hàng sẽ được xử lý qua Apple Pay.
– Các doanh nghiệp cũng sẽ có thể để khách hàng đặt lịch hẹn bằng cách sử dụng ứng dụng đặt lịch của riêng họ, và cho họ thấy danh sách các sản phẩm để mọi người lựa chọn.
– Nếu khách hàng muốn nhiều thông tin hơn mà không thể gửi qua file văn bản, các doanh nghiệp có thể yêu cầu họ tải thêm các ứng dụng hỗ trợ đơn lẻ. Phần mở rộng của iMessage cũng được hỗ trợ cho các tác vụ phức tạp hơn, như lựa chọn ghế ngồi trong một buổi hòa nhạc.
– Business Chat sẽ được tích hợp vào hàng loạt các nền tảng hỗ trợ người dùng hàng đầu hiện nay, bao gồm cả Salesforce, Genesys, Nuance và LivePerson.
Cho đến nay, các chat bot hỗ trợ khách hàng là hy vọng tốt nhất của Facebook để kiếm tiền từ Messenger và Whatsapp. Dù vậy, phần lớn các chatbot giai đoạn đầu của Messenger đều khá phức tạp và không mấy ấn tượng, nhưng gần đây, ứng dụng này đã thực hiện hàng loạt động thái để làm chúng trở nên đơn giản hơn và dễ truy cập hơn.
Trong khi đó, WhatsApp cũng đang thử nghiệm hệ thống hỗ trợ khách hàng của riêng mình cho doanh nghiệp nhưng cho đến nay nó vẫn chưa được phát hành rộng rãi. Các chatbot như vậy đã trở nên rất phổ biến với các ứng dụng mạng xã hội ở châu Á, như WeChat của Tencent.
Theo Business Insider